Đắk Nông: Trồng xen canh 'cứu' cà phê trong biến đổi khí hậu

  • Thứ năm, 11:30 Ngày 08/07/2023
  • Tình trạng biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề nan giải, ngày càng ảnh hưởng rõ nét và sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tác động mạnh đến quá trình canh tác cà phê của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.

    Biến đổi khí hậu tác động xấu tới sản xuất cà phê
    Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, tình trạng biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề nan giải, ngày càng ảnh hưởng rõ nét và sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tác động mạnh đến quá trình canh tác cà phê của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.
    Hậu quả của thời tiết bất thường làm cây ra hoa trái vụ, sâu bệnh phát triển không theo quy luật, gây khó khăn trong quá trình chăm sóc, dẫn đến giảm năng suất, sản lượng cà phê. Chỉ tính riêng trong năm 2016, hạn hán gay gắt đã làm trên 23.000 ha cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị thiếu nước, làm giảm năng suất và mất trắng.

    Trước tình hình trên, ngoài các giải pháp cấp bách cho việc sản xuất cà phê, việc quán triệt sản xuất cà phê tập trung trong vùng quy hoạch có vai trò rất quan trọng. 

    Các ban ngành, cơ quan chức năng khuyến cáo không sản xuất cà phê ở những vùng đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước; có thể chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch, sản xuất kém hiệu quả.
    Giải pháp trồng xen canh "cứu cánh" cho cây cà phê
    Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mục tiêu trong những năm tới là xây dựng ngành cà phê Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng. 

    Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học cần nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống cà phê chín muộn để tránh rủi ro khi mùa mưa chấm dứt muộn; giống có khả năng chịu hạn và kháng bệnh tốt. 

    Các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cà phê trên địa bàn, gắn với cơ cấu giống đã ban hành, bảo đảm việc tái canh, ghép cải tạo sử dụng 100% giống theo quy định.

    Đặc biệt, việc trồng cây che bóng, chắn gió bảo đảm cho vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ổn định, lâu dài có vai trò vô cùng quan trọng. Các cây trồng xen như hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca, điều, … vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế vừa giảm nguy cơ khi có rủi ro xảy ra, mặt khác, những loại cây này che bóng, chắn gió tốt cho vườn cà phê. 

    Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông cho biết qua thực tế, việc trồng xen cây ăn quả, hồ tiêu, điều trong vườn cà phê phát huy hiệu quả cao trong sản xuất cà phê bền vững.

    Gia đình ông Lê Quang Minh, hộ trồng cà phê lâu năm ở thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil chia sẻ sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê, ông Minh nhận thấy việc sản xuất độc canh mang lại hiệu quả không cao, chịu nhiều tác động của thời tiết, giá cả. 

    Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông bắt đầu áp dụng trồng nhiều loại cây trên một diện tích. Ông trồng xen giữa 2 hàng cà phê là 1 hàng tiêu bằng trụ sống, cứ 6 cây cà phê ông trồng 1 cây sầu riêng, trên toàn bộ diện tích 6,5 ha đất của gia đình.

    Ông Minh cho biết: "Tôi tìm hiểu kỹ thuật và các cây trồng có thể chia sẻ không gian, hỗ trợ nhau phát triển để trồng xen canh. 

    Những loại cây này không chỉ có tác dụng che bóng, tạo sinh thái ổn định cho vườn cây mà còn hạn chế sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí phân bón, nước tưới. Với mô hình này, mỗi năm tôi thu nhập khoảng 1 tỷ đồng trên diện tích hơn 6 ha đất của gia đình".

    Cũng theo ông Minh, việc trồng nhiều cây đòi hỏi nông dân phải siêng năng, cần cù bởi quanh năm đều có việc để làm. Nhưng cái lợi đạt được là có nguồn thu nhập thường xuyên hơn, đáp ứng cho đầu tư sản xuất và chi tiêu gia đình, lại tận dụng được những lợi thế sẵn có.

    Tương tự, gia đình ông Nguyễn Bá Thanh ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh hiện có 2,5 ha cà phê trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ booth 7, hàng năm đem lại thu nhập trên 400 triệu đồng. Sau nhiều năm nỗ lực, chịu khó, đến nay ông có 2,5 ha cà phê, 60 cây sầu riêng, 50 cây bơ.

    Nhờ được trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng cách nên vườn cây của ông phát triển xanh tốt, bộ khung tán cành dự trữ khỏe mạnh, năng suất ổn định, năng suất cà phê trung bình các năm đạt từ 4,2 - 4,5 tấn/ha.

    Ông Thanh cho biết, để có năng suất cao và ổn định như thế là nhờ ông trồng xen cây cà phê với các loại cây trồng khác, sử dụng các loại phân chuồng và vỏ cà phê ủ với nấm đối kháng Trichoderma, một năm bón một lần vào đầu mùa mưa; chú ý tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê, rong tỉa kịp thời cây che bóng để cây cà phê nhận được nhiều ánh sáng trong mùa mưa, hạn chế nấm bệnh gây hại. 

    Vấn để sử dụng nước tưới cũng được ông Thanh rất chú trọng, không như trước kia gia đình ông tưới 600 - 700 lít nước/cây cà phê, gây lãng phí nguồn nước. 

    Năm 2013, được tham gia các lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây cà phê, ông mới biết lượng nước tưới cho cây cà phê là bao nhiêu. Từ đó, ông đã có kinh nghiệm chăm sóc vườn cà phê của gia đình mình, ngoài ra ông còn chỉa sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các hộ dân trong vùng làm theo.

    Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông nhận định việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê là cách làm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Các loại cây trồng xen vừa có tác dụng chắn gió, che bóng, giữ ẩm tốt cho đất, giúp cây cà phê cho năng suất ổn định và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

      bài viết liên quan